Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 2, 06/05/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

Kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9: Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ nhìn thấy chân lý (29/08/2012)

Trong những ngày kỷ niệm lịch sử đầy ắp suy tư này, mỗi người Việt Nam nhiều suy tư về vận nước dường như đều cảm nhận được hình ảnh
 
"Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!*
Phải chăng ánh "sáng lòa” này chính là ánh sáng tỉnh thức mà Victor Hugo viết trong "Những người khốn khổ”: " Ánh sáng, Ánh sáng! Biết đâu đấy, những khối u minh dày đặc ấy lại không trở thành trong suốt. Những cuộc cách mạng chẳng phải là những cuộc thay hình đổi dạng là gì?”.**

Lịch sử là một sự vận động trong thế tương quan giữa nhiều lực nhằm tìm ra một hợp lực, vạch ra con đường đi của nó. Ngay từ đầu, và cho đến bây giờ và mãi mãi, những hợp lực ấy vẫn do các cá nhân hiện thực tạo ra song vẫn không chỉ phụ thuộc vào cá nhân họ. Theo Hégel, động cơ của những nhân vật lịch sử, thật ra, không phải là những nguyên nhân cuối cùng của lịch sử. Cái hợp lực tạo ra sức mạnh của một dân tộc, viết nên những trang hào hùng của lịch sử dân tộc, chính là quần chúng nhân dân : những người theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ: "giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” .

 
Xin nhớ cho, chiều dài đất nước ta từ bắc vào nam là hơn 1650 km, từ đông sang tây nơi rộng nhất là 600km, nơi hẹp nhất là 50km, buổi ấy làm gì có điện thoại di động, chỉ có dòng điện cực mạnh phát ra từ trái tim yêu nước thì mới có thể làm nên điều kỳ diệu : chỉ 15 ngày, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên toàn quốc. Quả thật đây là một minh chứng sống động của chân lý lịch sử mà đại văn hào Pháp đã đúc kết : "Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ nhìn thấy chân lý”**. Để rồi chân lý lịch sử ấy được Hồ Chí Minh khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 với sự mở đầu bằng những dòng ánh sáng của trí tuệ loài người trong hai câu trích dẫn bất hủ về "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, về "Nhân quyền và dân quyền” mà quan trọng nhất là "tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

 
Trong ý nghĩa cao cả của nó, "Tuyên ngôn Độc lập” là gì, nếu không phải là ý chí, là bản lĩnh của cả dân tộc biểu tỏ một cách mạnh mẽ và tường minh trước toàn thế giới. Hiểu như vậy mới thấm thía được chiều sâu và sức nặng của những trích dẫn ấy. Bằng những lời tiêu biểu nhất trong "Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của nước Mỹ và "Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Cách mạng Pháp, Hồ Chí Minh đã xác lập tiền đề cho việc khẳng định vị thế độc lập của nước cộng hòa dân chủ non trẻ của mình trước mọi quốc gia trên thế giới. Đó cũng là tiền đề cho việc gắn kết những giá trị dân tộc với giá trị nhân loại.

 
Bằng một tầm nhìn văn hóa vượt lên trên những thiển cận và hạn hẹp, Hồ Chí Minh đã thấy rõ cần phải gắn kết những giá trị dân tộc mà ông cha ta bao đời vun đắp với những giá trị nhân loại, đỉnh cao của trí tuệ loài người chứ không của riêng một quốc gia, dân tộc nào, nhằm đưa nhân dân mình bước vào quỹ đạo phát triển của nền văn minh thế giới trong một thời đại mới. Nói đến "con mắt biện chứng lịch sử” thì đây mới chính là đôi mắt ấy.

 
Đáng tiếc là đôi mắt ấy, tầm nhìn văn hóa ấy đã một thời bị những nhiễu nhương của thế sự và thời cuộc che lấp. Điều này không lạ ! Bởi lẽ, "trong mọi hành động của chúng ta, phần vô thức thì to lớn còn phần lý trí thì nhỏ bé. Cái vô thức tác động như một lực lượng hãy còn chưa được biết rõ”.Tuy nhiên, "chính cái vô thức ấy có lẽ là một trong những bí ẩn của sức mạnh đám đông”*** . Vấn đề đặt ra chính là, không thể ngập chìm vào trong đám đông, choáng váng bởi sức mạnh đám đông bởi sức hút của nguyên lý "quần chúng làm nên lịch sử”, mà quên mất một nguyên lý khác "hàng nghìn hạt bụi mới tạo thành phù sa và chính từ phù sa ấy, những tư tưởng mới nẩy mầm”*** để hiểu ra rằng, "tạo hóa hào phóng vung ra vô số sản vật, nhưng chỉ hy hữu mới sản sinh ra vài hạt giống tốt”, đây chính là "một phần rất nhỏ bé của lý tính tỏa rạng trong cõi tạo hóa”**** mà Albert Eintein đã từng chỉ ra..

 
Liệu có phải cái "lý tính tỏa rạng” ấy "chính tâm hồn của những đám đông đã hun đúc nên” tạo ra cái mà ông cha ta gọi là "nguyên khí quốc gia”? Vì thế mà ở bất cứ thời đoạn lịch sử nào, bất cứ thể chế chính trị nào, bộ phận tinh hoa của dân tộc cũng giữ một vai trò "không gì có thể thay thế được của một nước, một dân tộc”. Cho nên, "trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là của quý không gì có thể thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá”.

 
Cứ nhìn vào thành phần của Chính phủ Cách mạng lâm thời, và sau đó là Chính phủ Kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu, là hiểu rõ được điều đó. Đây chính là hình ảnh thu nhỏ của khối đại đoàn kết toàn dân mà bộ phận trí thức ưu tú, những "hiền tài”, bộ phận tinh hoa tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc được quy tụ lại. Trải qua những bước thăng trầm, Cương lĩnh được thông qua tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ V đã khẳng định trở lại chân lý lịch sử đó : "đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ...”. Đây là một bước đột phá quan trọng, đưa nhận thức trở lại đúng với quy luật vận động của cuộc sống, từ đấy mà mở ra một cục diện mới cho thấy phát triển luôn luôn là tự phát triển trong tiến trình tiến hóa, tạo nên những thuộc tính hợp trội, được thực hiện bằng các cơ chế thích nghi qua sự tương tác của hệ thống.

 
Tiến hóa qua cơ chế thích nghi không chỉ biểu hiện bằng cạnh tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên, mà còn bằng hợp tác và cùng phát triển. Chính sự đa dạng của tiến hóa như vậy tạo nên sự đa dạng, phong phú, rất phức tạp, song cũng hết sức sinh động của cuộc sống. Xã hội lại là một hệ thích nghi cực kỳ phức tạp, trong đó, các thành phần khác nhau, những yếu tố đối lập, tùy theo sức hút của mục tiêu chung đều có lợi cho tất cả, thì không nhất thiết phải đối đầu theo kiểu tư duy "ai thắng ai”, dẫn đến một kết cục phải thanh toán lẫn nhau để giành quyền thắng, chứ không chịu tìm cách thông qua những tương tác có tính hợp trội để có thể tìm được khả năng cùng thắng.

 
Có hiểu rõ điều đó mới hiểu được sức mạnh nào đã làm nên Cách mạng Tháng Tám đưa tới Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 
theo danviet.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển